Lượt xem: 1466

Con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao tại Sóc Trăng

Cách nay trên một thế kỷ, lúa gạo Sóc Trăng đã từng nổi tiếng trên thị trường Viễn Đông với tên gọi “Gạo Bãi Xàu”.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì tỉnh Sóc Trăng vào đầu thế kỷ XX là một trong những tỉnh quan trọng nhất về mặt kinh tế của cả Nam kỳ. Hằng năm, Sóc Trăng đóng góp cho ngân sách địa phương và vùng hơn nửa triệu đồng, một số tiền lớn vào thời này. Nhưng tất cả nguồn lợi tức của Sóc Trăng là do nông nghiệp, đúng hơn, là nhờ việc canh tác lúa gạo. Như vậy, có thể khẳng định: “Sóc Trăng sống bằng ruộng lúa của mình và chỉ bằng ruộng lúa của mình”. Đất đai của Sóc Trăng vào đầu thế kỷ XX này xem ra chỉ thích hợp với cây lúa. Do đó, những vùng đất được khẩn hoang một cách ồ ạt, tại một số làng như Châu Thới, Châu Hưng, Tuân Tức, cũng chỉ là để trồng lúa. Tuy vẫn có những vườn cây ăn trái của người Hoa hay người Khmer trên các giồng đất nhưng các loại canh tác này xem ra không đáng kể bên cạnh những ruộng lúa mênh mông.


Nông nghiệp Việt Nam thời kỳ thực dân Pháp đô hộ. ảnh tư liệu

 

    Lúa tại đây có năng suất từ 10 đến 12 tạ/ha. Một năng suất tương đối thấp so với năng suất tại các tỉnh Trung Nam kỳ, vốn đã được khai thác lâu đời, nhưng bằng và có khi cao hơn so với các tỉnh ở Nam sông Hậu. Biểu đồ của Niên giám thống kê các năm 1943 - 1946 cho chúng ta một cái nhìn chung về năng suất của việc trồng lúa tại Nam kỳ vào thời gian này (tính theo tạ/ha):

 

1943

1944

1945

1946

Các tỉnh miền Đông

Bà Rịa

10

8

8

8

Biên Hòa

13

12

11

8

Thủ Dầu Một

11

11

10

8

Tây Ninh

10

8

8

10

Gia Định

16

18

10

10

Các tỉnh miền Trung Nam kỳ

Chợ Lớn

15

13

13

12

Mỹ Tho

15

13

13

12

Vĩnh Long

12

12

12

13

Trà Vinh

14

13

12

15

Sa Đéc

13

12

12

13

Tân An

13

11

13

12

Bến Tre

13

13

16

13

Gò Công

18

14

16

14

Các tỉnh miền Tây

Cần Thơ

12

11

13

12

Bạc Liêu

9

9

9

9

Rạch Giá

9

8

10

11

Sóc Trăng

11

11

11

13

Long Xuyên

13

11

11

12

Châu Đốc

14

11

13

12

Hà Tiên

8

8

8

6

 

    Năng suất lúa của Sóc Trăng nhờ ở độ phì nhiêu của đất hơn là do kỹ thuật canh tác, sự chăm sóc của người nông dân, hoặc việc chọn giống lúa. Việc canh tác ở đây, vào thời điểm này, được đánh giá là khá sơ sài. Người nông dân sẵn sàng gieo, trồng, khi mới phạt cỏ xong. Do đó, trong những năm đầu lúa mọc chung với cỏ. Chỉ sau bốn, năm năm, người nông dân khẩn hoang mới có được một thửa ruộng thực sự.

    Tính cách sơ sài trong kỹ thuật trồng lúa tại vùng phía Nam sông Hậu và Sóc Trăng dưới thời thuộc Pháp, càng rõ rệt hơn khi đem so sánh với kỹ thuật trồng lúa tại đồng bằng Bắc bộ. Trong khi việc canh tác một ha ruộng tại đồng bằng Bắc bộ đòi hỏi 200 ngày lao động người và 18 ngày lao động vật, thì tại đồng bằng sông Cửu Long, một ha ruộng gieo trực tiếp chỉ có 68 ngày lao động người (trong đó, 23 ngày lao động nữ) và 14 ngày lao động súc vật và một ha ruộng cấy chỉ có 85 ngày lao động người và 15 ngày lao động súc vật. Ấy là không kể tại những nơi mới được khai thác như tại tỉnh Rạch Giá, công việc chuẩn bị đất thường chỉ là phát cỏ, đốt rồi gieo.


Giống lúa thơm ST22 rất thích nghi vùng tôm – lúa huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) nhờ khả năng chống chịu mặn cao. Nguồn soctrang.org.vn

 

Diện tích Sóc Trăng vào đầu thế kỷ XX là 2.387km2 có khoảng 1.410 km2 đất đã được đưa vào canh tác và 764km2 có thể được canh tác. Số còn lại, khoảng 200km2 là diện tích của kinh, rạch, đầm và đường xá. Sóc Trăng là một tỉnh nghèo nhất về lâm sản, phần lớn diện tích dành cho những đồng lúa bát ngát và được ví là xứ Beauce (một địa danh đồng quê của nước Pháp) tại Nam kỳ. Sự phồn thịnh của Sóc Trăng chủ yếu dựa vào thóc gạo. Diện tích chung vào khoảng năm 1930 là 2.387 km2 (đứng thứ 10 trong 24 tỉnh). Diện tích đất ruộng là 195.200 ha (đứng thứ 3 trong 24 tỉnh). Diện tích ruộng tính theo đầu người: 0,947 ha/người (đứng thứ 2). Mật độ dân số 86 người/km2 (đứng thứ 9).

Báo cáo năm 1916 cho biết kết quả của mùa năm 1915 - 1916 của Sóc Trăng như sau: Gặt được 316.179 tấn, nhiều nhất trong tất cả các tỉnh Nam kỳ, trong khi Rạch Giá chỉ gặt được 250.000, Cần Thơ là 245.000. Trừ đi số tiêu thụ tại chỗ là 79.000 tấn, Sóc Trăng còn có thể dành cho xuất khẩu là 237.179 tấn, cũng đứng đầu trong các tỉnh. Mùa năm 1916 - 1917 là 200.787 tấn (thua Rạch Giá, Cần Thơ), nhưng cũng xuất khẩu được 124.450 tấn. Mùa năm 1917 - 1918 thu hoạch 130.424 tấn, ngang với Rạch Giá, Cần Thơ, xuất khẩu 65.144 tấn. Vùng đất này trở thành vùng dư lúa gạo, do dân ít mà mức sản xuất lại cao. Tình hình này cho phép người nông dân Sóc Trăng không những tự đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm trong thời bình mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp, còn cung cấp lương thực cho một số tỉnh bạn và Trung ương, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Về mặt chất lượng, gạo thương mại được phân thành ba nhóm lớn gồm gạo chất lượng cao là hạt nhỏ, dài; loại trung bình hạt gạo trung bình; loại chất lượng kém thường hạt gạo tròn, lớn. Trong mỗi nhóm này người dân Sóc Trăng lại chia ra các cấp độ để định giá trị bán, mua trên thị trường như tỉ lệ tấm, độ khô, kỹ thuật chế biến... Từ đó góp phần làm cho hạt gạo “Bãi Xàu” lừng danh ở thị trường Viễn Đông gần một thế kỷ trước.

Như vậy, thời kỳ Pháp thuộc với đôi tay cần mẫn, với quyết tâm biến đất hoang thành đồng lúa, ông cha ta đã vượt lên bao khó khăn, gian khổ để khai khẩn những vùng đất hoang vu thành những cánh đồng bạt ngàn. Tuy nhiên lúc bấy giờ trình độ canh tác còn lạc hậu nên năng suất còn rất thấp.


Gạo ST24, ST25 là niềm tự hào của người dân Sóc Trăng khi đã đạt giải gạo ngon thế giới, góp phần lớn trong việc quảng bá, đưa hạt gạo Việt vươn tầm xa hơn ra thế giới.  Nguồn soctrang.org.vn

 

Theo dòng thời gian, cùng với sự biến thiên của lịch sử, kỹ thuật trồng lúa cũng có sự chuyển đổi và phát triển. Nổi bật là giai đoạn 1954 - 1975 đã đánh dấu bước tiến về kỹ thuật và trình độ canh tác lúa của nông dân so với những thời kỳ trước, làm tiền đề cho việc gia tăng năng suất, sản lượng.

Trước năm 1967, tất cả các giống lúa được gieo trồng ở Sóc Trăng đều là các giống lúa mùa được chọn qua sàng lọc tự nhiên, chịu mặn, phèn vì thủy lợi lúc này còn kém, người dân sổ phèn mặn theo kinh nghiệm cha ông để lại. Ngoài giống lúa thuần chủng địa phương, một số nơi còn có giống lúa mang yếu tố nước ngoài như giống lúa Ba Lê ở Khánh Hòa, Lạc Hòa (Vĩnh Châu) do người Pháp tuyển chọn mang sang, giống Ba Lê chịu mặn tốt, được nông dân trồng phổ biến; làm phong phú thêm thương hiệu gạo “Bãi Xàu” vì hạt gạo Ba Lê thơm nhẹ, xốp mà dẻo.

Có thể nói việc làm nên thương hiệu gạo “Bãi Xàu” còn có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu nông nghiệp thuộc trại giống Bãi Xàu được thành lập năm 1923 nhằm phục vụ và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân địa phương vùng đất mặn, và trại giống này chỉ bị giải thể vào giữa thập niên 80. Ở thời kỳ 1954 - 1975 về sản xuất nông nghiệp, lúa vẫn là nguồn tài nguyên chính của tỉnh và nguồn thu nhập chính của người dân. Để tăng năng suất lúa, chính quyền Sài Gòn tạo điều kiện cho nông dân mua máy cày, máy xới và sử dụng các nông cụ cơ giới khác để cải tiến nghề nông. Theo đó, diện tích đất cày bừa từ 141.000 ha bằng 60% diện tích đất ruộng của toàn tỉnh năm 1954, tăng lên 403.470 ha chiếm 80% diện tích đất ruộng của toàn tỉnh năm 1960 (Lúc đó, toàn tỉnh Ba Xuyên gồm hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu). Ty Nông Vụ thời đó với chương trình hoạt động của  ngành Canh Nông và ngành Mễ Túc, chú trọng xây dựng các hệ thống thủy nông, đắp đê, đập ngăn mặn và mở mới mạng lưới kênh mương để dẫn nước ngọt vào ruộng. Đặc biệt là tập trung tuyển lựa giống tốt, rặt, đạt năng suất cao, thích hợp với thủy thổ địa phương, thí nghiệm so sánh năng suất để tìm giống lúa vượt trội, nhân ra nhiều để dự trữ và cung ứng cho nông dân với giá vốn, đi đôi theo đó là phổ biến phương pháp mới để nâng cao năng suất. Trong chương trình tuyển lựa giống  năm 1962 - 1963 tại trại giống Bãi Xàu đã được thực hiện trên các giống lúa mùa như: Tất Nợ, Trắng Đốc, Ba Bông, Nàng Keo, lúa Tượng và các giống lúa lai như: Néang - Méas, Balletet 58-59, 45/58, 51/58.  Đến năm 1967, giống lúa IR 8 còn gọi là Thần Nông 8 được Ty Canh nông tỉnh cho trồng thử nghiệm đầu tiên tại trại giống Bãi Xàu kết hợp với thí nghiệm sử dụng phân bón, đạt năng suất 5- 6 tấn/ha. Năm 1968, chương trình  đặc biệt sản xuất lúa Thần Nông 8 của tỉnh đã nhận được 75kg lúa Thần Nông 8, Thần Nông 5 vào ngày 15/5/1968 và phân phối cho các điểm trình diễn ở 6 quận trong tỉnh. Lúa Thần Nông 8 phần lớn được phát triển mạnh ở vùng có nước tưới tiêu vì lúa thấp lùn, còn giống Thần Nông 5 thì cao cây hơn nên trồng tốt ở các ruộng sâu, ngập nước.

Sau năm 1975 - 1991, Sóc Trăng thuộc tỉnh Hậu Giang, tuy vẫn sản xuất lúa là chính, nhưng trong thời kỳ bao cấp (1975 - 1986) sản xuất lúa gạo vẫn ỳ ạch và thực sự không phát triển. Từ năm 1986 - 1992 lại một lần nữa Sóc Trăng điều chỉnh kinh tế khi tạm dừng tăng sản lượng lúa để phát triển nghề thủy sản - một mũi nhọn đột phá. Nhưng cũng vì vậy mà làm mất nhiều gien lúa gạo quý hiếm của tỉnh khi các chủng loại lúa cổ truyền từ 50 - 70 giống, thì nay chỉ còn 5 - 7 giống lúa; trong khi đó các giống lúa ngắn ngày, sản lượng không cao lại tăng nhanh.

Đến sau ngày tái lập tỉnh từ năm 1992 - 1995 tỉnh đã có chủ trương đầu tư nâng chất lượng lúa gạo, vì thế mà loại lúa thơm Khao Dawk Mali 105 ra đời với dòng sản phẩm gạo ngon, thơm và được thị trường ưa chuộng, năm 1995 đã đạt trên 5.000 ha giống lúa này. Nhưng mãi đến năm 2001, khi giống lúa ST3 của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng cộng sự được phổ biến rộng rãi thì chương trình trồng lúa đặc sản của tỉnh mới thực sự thức dậy và kể từ đó cho đến nay việc chọn giống lúa thơm, chất lượng cao, chịu mặn, lợ thích nghi với vùng đất pha cát ven biển đã được đầu tư (năm 2005 là 20.000 ha; năm 2009 trên 45.000 ha) chủ yếu là giống lai tạo tại địa phương. Từ ST3 đến nay đã lai tạo giống ST20, đến ST25 và đây được coi là giống lúa có chất lượng cao nhất hiện nay của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn chưa dừng ở đó, các nhà khoa học nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng vẫn tiếp tục lai tạo những loại giống lúa có thể sử dụng như một nguồn thực phẩm chức năng gồm các loại giống: Huyết Rồng, ST3 đỏ, lúa Đen... Các loại giống cũ, mới hay đang nghiên cứu của tỉnh đều hướng tới tiêu chuẩn toàn cầu (Global G.A.P) như thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng, gạo thơm Ngọc Đồng; gạo Tài nguyên Thạnh Trị... Ngoài ra, để ứng phó với việc biến đổi khí hậu tỉnh Sóc Trăng cũng đầu tư nghiên cứu chọn lai tạo những giống lúa chịu mặn, chịu ngập sâu, chịu được các loại sâu rầy... trên cơ sở bảo tồn các giống lúa bản địa của cả ba miền, làm phong phú, đa dạng thêm bộ lúa giống ST của tỉnh nhà hiện tại và cả tương lai.


Nhóm tác giả tạo ra giống lúa ST24, ST25 đạt các giải cao tại các kỳ thi gạo ngon nhất thế giới. Nguồn soctrang.org.vn

 

Từ những ngày Sóc Trăng còn là vùng đất hoang hóa, phèn mặn với kỹ thuật canh tác thô sơ, lạc hậu đến ngày có những giống lúa đặc sản - đặc trưng Sóc Trăng như hôm nay là cả một quá trình dài. Đó là kết quả của biết bao người, đặc biệt là những người tâm huyết với ngành nông nghiệp của tỉnh để cho ra đời những giống lúa mới với năng suất, chất lượng vượt trội. Gạo ST3, ST5, ST20 và ST25 được vinh danh năm 2019 và 2020 là loại “Gạo ngon nhất, nhì thế giới”... Đây chính là sự tiếp nối, làm phong phú thương hiệu gạo “Bãi Xàu” xưa, là thành quả của việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào đồng ruộng.

Thương hiệu gạo “Bãi Xàu” xưa một thời làm nức tiếng vùng Viễn Đông thì nay gạo Sóc Trăng “ST25” và sẽ kỳ vọng có nhiều loại lúa - gạo “ST” nữa đã và đang khẳng định mình trên thương trường quốc tế, bước vào thời kỳ hội nhập với một niềm lạc quan, tin tưởng mới. Việc phục hồi thương hiệu gạo Bãi Xàu, nhắc lại một thời kỳ của cây lúa Sóc Trăng ngày xưa không chỉ là sự nhắc nhớ, ôn lại lịch sử mà còn nhằm tôn vinh cây lúa, hạt gạo Việt Nam và một lần nữa khẳng định rằng Sóc Trăng sống bằng ruộng lúa của mình và chỉ bằng ruộng lúa của mình”./.

Anh Võ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 8298
  • Trong tuần: 79,005
  • Tất cả: 11,802,325